Nguy cơ bùng phát virus Zika và cách phòng tránh

Virus Zika (ZIKV) là một loại virus RNA (arbovirus) thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae, lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes bị nhiễm. Hiện nay, virus này đang là mối đe dọa lớn đối với toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố những bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa virus Zika với hai hội chứng rối loạn thần kinh đó là gây teo não ở trẻ sơ sinh và hội chứng làm tê liệt hệ thần kinh ở người lớn (thường gọi là Hội chứng tự miễn dịch Guillain-Barré). Cho nên mọi người hãy cẩn thận và nên tìm hiểu về loại virus này để chủ động phòng tránh nhé.

Virus này là báo động đỏ toàn cầu và cực kỳ đáng lo ngại. Virus Zika sẽ tiếp tục lan truyền tới hầu hết các nước khu vực châu Mỹ, những nơi có lưu hành muỗi Aedes. Loài muỗi này nguy hiểm ở chỗ, nó sinh trưởng rất mạnh, bất kể trong những môi trường nước bé nhỏ như nắp chai lọ. Nó đốt người vào buổi sáng và chiều tối, chứ không đốt về đêm. Các chuyên gia y tế thế giới cũng bày tỏ lo ngại khi virus Zika có thể lan sang châu Á vì khu vực này có nhiều muỗi Aedes. Virus Zika khiến mọi người lo sợ là bởi một số chuyên gia cho rằng có liên quan tới hàng nghìn trẻ em sinh ra với bộ não bị teo vì mẹ nhiễm virus lúc mang thai, ảnh hưởng tới việc phát triển trí não cũng như thể chất của trẻ. Tình trạng trầm trọng đến mức một số nước đã khuyến cáo phụ nữ không mang thai trong thời gian này. Virus Zika lan truyền khi một con muỗi Aedes hút máu người bị nhiễm, sau đó lại đi hút máu người không bị nhiễm và truyền virus. Người nhiễm bệnh hầu hết đều không có triệu chứng cụ thể. Căn bệnh này có các biểu hiện như sốt, phát ban, đau khớp, đỏ mắt và các biểu hiện này có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Nhưng đáng chú ý là 80% người mang virus không có triệu chứng nào.

Virus Zika đã xuất hiện ở nhiều nước Nam Mỹ, Châu Phi và một số nước Đông Nam Á

Mới đây, các nhà khoa học tại Công ty Công nghệ Sinh học Oxitec, trụ sở tại Anh cho biết đã nuôi cấy thành công một loại muỗi biến đổi gen có thể làm giảm sự gia tăng của loài muỗi Aedes. Đó là cách thả loại muỗi biến đổi gen vào các khu rừng ở Brazil, chúng sẽ giao phối với muỗi hoang dã, tạo ra một loại gen tự hủy khiến những con muỗi được sinh ra sẽ chết sớm trước khi có khả năng sinh sản. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận vì nhiều nhà phê bình lo lắng về những hậu quả không lường trước được khi thả một loài côn trùng biến đổi gen vào môi trường hoang dã.

Lý giải nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh, đại diện Cục Y tế Dự phòng cho biết là do người dân chưa từng phơi nhiễm với virus Zika nên không có miễn dịch trong cộng đồng, hơn nữa, loại muỗi Aedes truyền virus Zika phổ biến ở hầu hết các nước khu vực châu Mỹ, trừ Canada và Chile. Việc virus Zika được truyền qua muỗi Aedes đã được khẳng định rõ ràng, trong khi các đường lây truyền khác thì rất hạn chế. Virus Zika cũng đã được phân lập trong tinh dịch và cũng ghi nhận một trường hợp có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Virus Zika có thể lây truyền qua đường máu nhưng không phải là phổ biến. Tuy nhiên việc hiến máu và truyền máu cần được tuân thủ các quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn. WHO cũng cho rằng, các bằng chứng về việc truyền bệnh từ mẹ sang con cũng rất hạn chế. Hiện nay không có bằng chứng về việc lây truyền virus Zika qua sữa mẹ, nên những bà mẹ trong vùng có virus Zika vẫn nên cho con bú sữa mẹ bình thường. Các nghiên cứu gần đây có thể cung cấp thêm bằng chứng về việc truyền từ mẹ sang con khi sinh khi dịch Zika tại Brazil đã trùng hợp với sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Virus Zika lây lan từ châu Phi sang châu Á từ 50 năm về trước. Vào năm 2007, từ Đông Nam Á, Zika lan sang Nam Thái Bình Dương rồi tốc độ lây lan nhanh chóng mặt. Tuy nhiên, lúc đấy dân số trên vùng đảo này khá ít, cộng với việc không thường xảy ra các hậu quả nghiêm trọng nên dịch này khi đó không được chú ý. Nhưng tới năm 2013, khi bùng phát ở vùng Polynesia thuộc Pháp – nơi có 270. 000 cư dân - các bác sỹ xác nhận 42 trường hợp có triệu chứng Guillain-Barrê (triệu chứng có thể gây nên tê liệt). Con số này cao gấp 8 lần số thời điểm thông thường và là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Zika có thể tấn công hệ thống thần kinh, bao gồm não bộ. Tháng 5/2015, Zika được xác nhận có mặt ở Brazil – quốc gia có tới 200 triệu dân – và nhanh chóng bùng phát. Và chỉ tới tháng 10 vừa qua, khi các bác sỹ ở Pernambuco báo cáo về số lượng ngày càng tăng trẻ bị tật đầu nhỏ, thì tiếng chuông cảnh tỉnh về hậu quả đầu nhỏ do Zika chính thức ngân lên.
Pernambuco có 9 triệu dân và mỗi năm có 129. 000 trẻ được sinh ra. Thông thường, một năm có khoảng 9 trẻ mắc tật đầu nhỏ. Và tới tháng 11/2015, khi Brazil tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp, Pernambuco đã có tới 646 trẻ bị bệnh này.

Hãy chủ động phòng tránh bùng phát dịch

Cách phòng tránh hiệu quả virus Zika

  • Cần phải loại trừ nơi sinh sản của muỗi bằng cách thu dọn những vật dụng đựng nước nơi muỗi có thể đẻ trứng; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn và đậy nắp kín những nơi đựng nước sinh hoạt. Ngoài ra nên khoan lỗ trong thùng rác để tránh ứ đọng nước.
  •  Người dân sống trong khu vực lưu hành muỗi Aedes cần phòng muỗi đốt bằng bôi hóa chất đuổi muỗi hoặc mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đóng các cửa để muỗi không vào nhà, nằm màn khi ngủ kể cả ban ngày.
  • Phụ nữ mang thai nên được chăm sóc cẩn thận để tránh bị muỗi đốt. Phụ nữ khi đi đến vùng lưu hành virus Zika nên tư vấn cán bộ y tế trước và sau khi trở về, trong trường hợp có phơi nhiễm với virus Zika nên tư vấn với cán bộ y tế để theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai.
  • Người nhập cảnh về từ các nước đang bùng phát virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Mọi người hãy cùng nhau chủ động phòng tránh nguy cơ bùng phát virus Zika nhé.

Chi's mommy

I am the chief blogger on this Blog and here I like to share my internet / tech experience with my online readers.
Support me by following Tuệ Tâm Trà - Tue Tam Tea House

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét