Trẻ 1 tuổi thường được chú trọng về chiều cao, cân nặng, sự khoẻ mạnh của thể chất hơn là quan tâm và thúc đẩy tâm vận động. Nhiều bố mẹ sẽ nghĩ “Trẻ còn bé, biết gì mà dạy?” nhưng thực tế trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều “sở hữu những năng lực tuyệt vời hơn tưởng tượng của chúng ta”.
1. Vì sao lại cần quan tâm chú trọng tương tác với trẻ 1 tuổi?
Trẻ 1 tuổi là giai đoạn trẻ chuyển hẳn tư thế từ nằm, bò sang chập chững tập đi hai chân, hoặc có những trẻ đã đi vững. Khi vận động thay đổi theo chiều hướng lên cao, tầm nhìn của trẻ cũng được mở rộng ra, là thời điểm cần thiết để trẻ được giới thiệu và khám phá về thế giới xung quanh. Lúc này, nhu cầu khám phá thế giới của trẻ cũng tăng cao, cần được người chăm sóc kích thích và tạo điều kiện để thoả mãn những nhu cầu thiết yếu đó. Trẻ cũng đã bắt đầu có những sở thích riêng, có sự yêu ghét nhất định với những thứ xung quanh, biết phản ứng từ chối bằng hành động và lời nói mãnh liệt. Vì những yếu tố đó, trẻ cần được tương tác, hướng dẫn và kích thích đúng cách để được độc lập nhất có thể.
Giai đoạn trẻ 1 tuổi có 2 kỹ năng sẽ đặc biệt phát triển ở trẻ, đó là kỹ năng quan sát và kỹ năng bắt chước. Như một nhu cầu tự nhiên, trẻ 1 tuổi nhìn những người xung quanh và vô thức lặp lại những hành động của họ. Tuy nhiên, khả năng vận động của lứa tuổi còn hạn chế nên trẻ chỉ mới thực hiện được một phần nhỏ những thứ trẻ nhìn thấy được. Dù vậy nhưng tâm trí hấp thụ vẫn kích thích trẻ không ngừng quan sát, học hỏi, lặp lại và thực hiện các hành động mới liên tục.
2. Những khía cạnh tâm lý cần được chú trọng ở trẻ 1 tuổi
2.1 Vận động thô
Cha mẹ và người chăm sóc cần tập luyện để trẻ có thể tự chủ hơn trong các hoạt động vận động như:
- Tập đi vịn theo tường
- Tập ngồi dậy tự đi mà không cần người lớn bế nhiều
- Tập thay đổi tư thế một cách linh hoạt từ nằm sang ngồi dậy rồi đứng lên...
Cha mẹ cũng nên tạo cơ hội để đôi chân của trẻ cũng nên được tiếp xúc với những chất liệu khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở sàn nhà và dép tập đi. Bởi trẻ càng được vận động chân nhiều, góc nhìn của trẻ về thế giới xung quanh càng đa dạng, trẻ càng được khám phá nhiều sự vật khác nhau ở thế giới bên ngoài.
Ví dụ: Khi nằm sấp, trẻ chỉ nhìn được những thứ ở dưới đất và phía trước mặt. Nhưng khi trẻ lẫy và ngồi được, trẻ có thể nhìn thẳng với phạm vi xa hơn 2m, hoặc nhìn toàn bộ trần nhà nếu trẻ tự di chuyển được. Vì vậy, trẻ cần được tự do vận động nhiều nhất trong khả năng của mình và giảm bớt sự bế ẵm của người lớn, khiến trẻ bị phụ thuộc về vận động.
2.2. Vận động tinh ở trẻ 1 tuổi
Giai đoạn một tuổi, sức mạnh của đôi chân vô cùng tuyệt vời, cũng là một cơ hội để trẻ được sử dụng đôi tay nhiều hơn. Trẻ không chỉ với được đồ chơi, cầm nắm đồ chơi, kết hợp nhiều đồ trên tay...
Nhu cầu của trẻ ở giai đoạn này với đôi bàn tay là trẻ cần được sờ và chạm vào đồ vật liên tục. Vì vậy, nên cho trẻ được chạm vào nhiều đồ vật với nhiều chất liệu khác nhau, ví dụ như thức ăn mềm, các đồ chơi bằng nhựa cứng, các đồ chơi bằng nhựa dẻo, đồ vật bằng xốp... Hoặc các chất liệu tự nhiên như lá cây, nước, cát sỏi, đất, gỗ...
Đôi bàn tay của trẻ còn cần được hướng dẫn để thực hiện nhiều thao tác khác nhau với cùng một đồ vật thật linh hoạt. Ví dụ, với giấy, trẻ cần biết cách vò giấy, giựt giấy, xé giấy, ném giấy...
2.3. Giao tiếp ở trẻ 1 tuổi
Khi mà nhu cầu vận động tăng, nhu cầu được di chuyển thay đổi, nhu cầu khám phá mọi sự vật cao, đồng thời khả năng quan sát và bắt chước hành vi phát triển vượt bậc thì nhu cầu hiểu ngôn ngữ và nhu cầu phát ra âm lời nói cũng cải thiện theo chiều hướng tích cực. Để đáp ứng tốt nhu cầu ngôn ngữ của trẻ 1 tuổi, cha mẹ và người chăm sóc trước tiên cần chú trọng đến cách thức tương tác và giao tiếp với trẻ. Trẻ 1 tuổi có chiều cao chỉ ngang với đầu gối của người lớn, nên tầm nhìn của trẻ cũng chỉ dừng ở mức đó. Vậy nên người lớn cần ngồi thấp xuống, ngang tầm mắt với trẻ, giao tiếp mắt với trẻ để trẻ thấy rõ được khuôn mặt, giọng nói, khẩu hình của người đối diện một cách rõ nhất.
Lúc này, cha mẹ và người chăm sóc luôn cần nói với trẻ về mọi thứ xung quanh với những câu ngắn gọn, từ dễ hiểu và có trọng tâm. Ví dụ, có thể giới thiệu với trẻ về hoạt động tắm: “Bé ơi, giờ mình đi tắm nhé. Chúng mình đi lấy quần, lấy áo, lấy bỉm nhé. Cởi áo nào. Cởi quần nào...” Hoặc có thể kết hợp giới thiệu về đường phố khi cho trẻ đi dạo “Đây là nhà sách, mẹ sẽ mua sách cho con. Tiếp đến là siêu thị, mẹ cần vào mua sữa. Đi đến chỗ rẽ là về đến nhà rồi”. Mục đích của việc giới thiệu các hoạt động là để tăng cường khả năng hiểu ngôn ngữ, tăng cường sự chú ý và tích lũy vốn từ cho trẻ, đảm bảo trẻ luôn được “tắm” trong môi trường ngôn ngữ.
Cha mẹ và người chăm sóc có thể đặt ra một số câu hỏi đơn giản về nhu cầu của trẻ, để trẻ được tham gia vào hoạt động của chính mình. Với một em bé có ý chí, trẻ sẽ tìm cách để trả lời nhu cầu của mình qua ngôn ngữ (“có”, “không”, hoặc “cá”) hoặc qua hành động (đẩy tay đồ này ám chỉ việc không thích, chỉ tay vào đồ khác để thể hiện sự lựa chọn)
2.4. Cho trẻ 1 tuổi làm quen với các quy tắc
Trẻ 1 tuổi có thể hiểu và thực hiện theo các quy tắc nếu được người lớn hướng dẫn. Ví dụ như:
- Chào người khác khi mới gặp, hoặc khi ra về (với sự hỗ trợ của bố mẹ)
- Dừng hành vi không phù hợp khi người lớn yêu cầu (ban đầu trẻ chỉ thể hiện bằng cách dừng tạm thời hoặc chun mũi để trêu người lớn, nhưng nếu nhất quán thực hiện thì trẻ sẽ hiểu vấn đề và làm theo được)
- Dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi
- Lấy đồ cho bố mẹ...
Những quy tắc và những công việc này trẻ không tự biết và không tự thực hiện được, nên người lớn cần làm mẫu, đưa ra đề nghị bằng ngôn ngữ hoặc cử chỉ, và thực hiện thường xuyên với trẻ. Những công việc này sẽ diễn ra từ đơn giản đến phức tạp. Thậm chí, có những việc người lớn chỉ cần làm mẫu, là trẻ sẽ thực hiện được theo, nhưng cũng có những việc mà người lớn phải cầm tay trẻ để hỗ trợ. Sau đó, người lớn giảm dần hỗ trợ thể chất, để trẻ tự thực hiện các quy tắc đó.
2.5. Trẻ 1 tuổi chơi
Giai đoạn dưới 2 tuổi là giai đoạn phát triển môi miệng - trẻ có thể tự chơi bằng cách khám phá: Ném, liếm, hoặc cắn đồ nhưng cũng có thể trẻ sẽ bắt chước người khác một vài hành vi đơn giản với đồ vật (bắt chước xúc thìa, bắt chước lấy lược chải đầu...). Tùy vào nhu cầu và đặc điểm của từng trẻ, chúng ta có thể lựa chọn nên để trẻ khám phá bằng cách cắn đồ hay là nên khuyến khích trẻ bắt chước các hoạt động.
Cha mẹ và người chăm sóc có thể đặt ra một số quy tắc cho trẻ khi chơi, ví dụ: trẻ có thể cắn một số món đồ nào đấy, nhưng khi mẹ yêu cầu thì phải dừng lại, và nhất quán thực hiện việc đó. Điều quan trọng của việc này là trẻ 1 tuổi vẫn được khám phá những thứ đồ mới lạ, có thể đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ, nhưng cũng cần học dần cách phân biệt nguy hiểm.
Việc chơi ở giai đoạn 1 tuổi chưa cần chú trọng nhiều đến việc tương tác với người khác, hoặc cần sử dụng đúng chức năng của đồ vật, đồ chơi. Trẻ chỉ cần có những hoạt động để trẻ khám phá bằng các giác quan, để trẻ được cảm nhận thực tế các đồ vật, để có cơ sở hình thành dần những kỹ năng và nhận thức cao hơn.
Một số món đồ chơi nên được khuyến khích là các đồ chơi tạo ra âm thanh, các đồ chơi nhân quả, hoặc các loại đồ chơi chồng cao, các đồ chơi có thể lấy vào và bỏ ra... để trẻ được thỏa sức khám phá theo nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, trẻ nên được chơi và khám phá nhiều trong môi trường tự nhiên, đơn giản như:
- Cho trẻ đi dạo, ngắm cảnh: trẻ sẽ được nhìn những đồ vật thực tế như các loại cây, các loại hoa, những chú chim, chú ong; sẽ được cảm nhận sự mát mẻ của gió
- Cho trẻ được chạm/sờ vào những đồ vật thực tế ngoài môi trường
- Để trẻ được tự do đi lại giữa không gian rộng, được nhặt những đồ mà trẻ thấy lạ lùng ...
Tóm lại, bất kể giai đoạn phát triển nào của trẻ cũng đáng lưu ý và tôn trọng. Ở giai đoạn một tuổi, các lĩnh vực trên đang trong quá trình phát triển, và là nền tảng để trẻ phát triển tâm trí cũng như nhận thức ở các giai đoạn sau nên cần được người chăm sóc lưu ý. Có thể ở mỗi đứa trẻ, con sẽ thông minh theo một cách khác, có thể con không trở thành thiên tài, nhưng con cần được độc lập, được tự do khám phá những thứ mình thích, có dũng khí để vượt qua khó khăn. Người lớn cần xây dựng thói quen cho chính bản thân mình trong việc tạo những kích thích và con đường để trẻ được tự chủ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét